Bệnh Tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây lan mạnh thành dịch ở trẻ nhỏ khi vào thời điểm chuyển mùa, thường là từ tháng 2 đến tháng 4, và từ tháng 9 đến tháng 12 ở Miền Nam. Vào thời điểm chuyển mùa, mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, là yếu tố thuận lợi cho virus phát triển. Bênh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do sức đề kháng của cơ thể trẻ chưa cao, và do thói quen vệ sinh của trẻ chưa tốt.
Gọi là bệnh Tay chân miệng là do bệnh có biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể xuất hiện tổn thương ở mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Hai nhóm tác nhân gây bệnh chân tay miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, thông thường bệnh lây lan do tay bị dính virus từ những đồ vật nhiễm bẩn, sau đó đưa tay lên gần miệng hoặc mũi. Bệnh cũng có thể lây do hít phải virus qua những giọt lơ lửng trong không khí.Virus gây bệnh xuất hiện ở tay bằng các cách như: tay tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, miệng, nước bọt, dịch của mụn rộp hoặc phân của người nhiễm. Cũng có thể bằng cách qua nắm tay tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của trẻ nhiễm bệnh như trong bình sữa, núm vú nhựa, đồ chơi và thực phẩm.
Bênh hay gặp ở trẻ nhỏ, trước hết đó là do sức đề kháng của trẻ nhỏ thấp. Tác nhân gây bệnh có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ lớn nhưng không gây bệnh ở những đối tượng này, mà từ đó trở thành nguồn lây cho trẻ nhỏ. Cũng những virus đó khi di chuyển từ người lớn và trẻ lớn (nhưng không có biểu hiện bệnh) khi được truyền sang cơ thể trẻ nhỏ lại gây bệnh và xuất hiện các triệu chứng của bệnh tay chân miệng.
Nguyên nhân thứ 2, khiến cho bệnh tay chân miệng hay gặp ở trẻ nhỏ là do: Các trẻ này đang ở độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo. Các trẻ được sinh hoạt và vui chơi trong cùng mội trường, ở đó mật độ tập trung các trẻ lớn. Khi có 1 trẻ bị bệnh, và không được cách ly kịp thời,virus trong dịch tiết từ mụn rộp, nước bọt từ trẻ bệnh sẽ có cơ hội tấn công, truyền sang tất cả các trẻ khác trong cùng môi trường. Vì vậy, bệnh thường lây lan nhanh giữa các trẻ nhỏ sống cùng nhà, sinh hoạt cùng nhà trẻ, trường mẫu giáo, cùng các điểm vui chơi công cộng, …. nhất là vào thời điểm chuyển mùa, thời điểm có các đợt bùng phát của bệnh.
Đặc biệt, trẻ nhỏ chưa có thói quen vệ sinh tốt: đa số trẻ có thói quen cầm, ngậm đồ chơi, ngậm mút tay. Khi trẻ ngậm đồ chơi, ngậm mút tay, virus gây bệnh dính ở tay, ở đồ chơi của trẻ, sẽ xâm nhập vào miệng và di chuyển xuống đường tiêu hóa và gây bệnh.
Một lý do nữa, đến từ người nuôi giữ trẻ. Nếu người nuôi giữ trẻ không có đủ kiến thức phòng bệnh, vệ sinh không đúng cách, virus gây bệnh cũng lây qua tiếp xúc gián tiếp từ các bề mặt bị nhiễm virus như đồ chơi, sàn nhà, bàn ghế, tay nắm cửa, ly chén, nắm tay… đến tay người chăm sóc, qua thức ăn và đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Như vây, trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh Tay chân miệng, đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tuổi, bệnh thường nặng và xuất hiện nhiều biến chứng hơn. Thời gian ủ bệnh là 3 đến 7 ngày tính từ lúc bị lây nhiễm đến khi khởi phát bệnh.
Cách xử trí khi trẻ bị bệnh.
Đến nay vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu điều trị bệnh. Cần theo dõi nếu thấy trẻ sốt cao, ói nhiều, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ thân người, khi đó cần đưa trẻ đi khám ngay tại Bệnh viện có chuyên khoa Nhi, hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Nếu trẻ bị nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà, cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động, tăng cường, bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng mềm, vệ sinh răng miệng, thân thể, tránh không làm bể các bóng nước để tránh nhiễm trùng, theo dõi nhiệt độ và hạ sốt cho bé.
|