Con ốm, con ho, con bị cảm, bị sốt… đều có thể khiến các bậc cha mẹ phát sốt theo – vừa vì xót con vừa vì thêm bao nhiêu việc phải làm. Bạn luôn ước con được mạnh khỏe, không bị ốm đau; nhưng có một thực tế là hàng ngày con đều tiếp xúc với vô số vi trùng và vi khuẩn. Bạn có thể bảo vệ con thế nào đây?
Thật không may rằng, theo khía cạnh nào đó, bị ốm khi còn nhỏ lại là một việc bắt buộc phải xảy ra. Tất cả chúng ta đều bước vào thế giới này với một hệ miễn dịch hoàn toàn non nớt. Dần dần, qua những lần chống chọi liên tục với vi khuẩn, vi trùng cũng như các sinh vật khác, trẻ nhỏ mới phát triển hệ miễn dịch của chúng – điều này lí giải tại sao nhiều bác sĩ khoa nhi lại cho việc trẻ nhỏ mỗi năm có khoảng 6 đến 8 đợt cảm lạnh, cúm hoặc viêm tai là hoàn toàn bình thường.
Tuy vậy, cũng theo các chuyên gia, có những thói quen lành mạnh mà khi bạn làm theo sẽ tăng cường được sức đề kháng cho con trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp con tránh được rất nhiều bệnh về sau (Ảnh: Inmagine)
1. Nuôi con bằng sữa mẹ.
Sữa mẹ chứa những tế bào bạch cầu và những kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp con tránh được đáng kể những bệnh như viêm tai, dị ứng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm màng não, viêm đường tiết niệu và chứng đột tử trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu cho thấy rằng sữa mẹ còn có thể làm tăng trí thông minh của trẻ nhỏ và bảo vệ bé khỏi bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin (tiểu đường tuýp 1), bệnh Crohn, viêm ruột kết và có thể cả một số loại ung thư về sau này.
Sữa non – dòng sữa lỏng màu vàng tiết ra trong những ngày đầu sau khi sinh – đặc biệt giàu các kháng thể chống lại bệnh tật. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến khích các bà mẹ cho con bú sữa mẹ trong vòng 1 năm. Trong trường hợp điều kiện không cho phép thì cũng cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 2 hay 3 tháng đầu để tăng cường hệ miễn dịch cho bé – vốn đã bắt đầu hình thành khi con ở trong bụng mẹ.
2. Tăng thời gian ngủ.
Các nghiên cứu thực hiện với người trưởng thành cho thấy thiếu ngủ có thể làm ta dễ bị ốm hơn, do bị giảm các tế bào xung kích tự nhiên – vũ khí của hệ miễn dịch có tác dụng tấn công vi khuẩn và các tế bào ung thư. Với trẻ nhỏ cũng như vậy. Thật gay go, vì có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến thiếu ngủ ở trẻ, như mải chơi hoặc được người lớn chiều và không khép vào “kỷ luật”.
Vậy trẻ con cần ngủ bao lâu? Khoảng thời gian này tùy thuộc vào tuổi của con: trẻ sơ sinh cần ngủ 18 tiếng/ ngày, trẻ ở tuổi tập đi thì 12-13 tiếng và trẻ trước độ tuổi đến trường cần ngủ khoảng 10 tiếng. Nếu con bạn không thể hoặc nhất định không chịu ngủ trưa hay ngủ những giấc ngắn trong ngày thì vào buổi tối hãy cố gắng cho bé đi ngủ sớm hơn.
3. Cung cấp nhiều trái cây và rau xanh hơn nữa.
Cà rốt, đậu xanh, cam, dâu… đều chứa những chất dinh dưỡng thực vật giúp tăng sức đề kháng như vitamin C và caroten. Dinh dưỡng thực vật có thể kích thích cơ thể sản sinh nhiều tế bào bạch cầu chống lây nhiễm và nhiều interferon – loại kháng thể bao phủ bề mặt của tế bào, ngăn ngừa virus xâm nhập. Nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn giàu dinh dưỡng thực vật còn có thể bảo vệ cơ thể khỏi những bệnh mạn tính như ung thư hay bệnh về tim ở tuổi trưởng thành. Vậy nên bố mẹ hãy cố gắng cho con ăn 5 suất hoa quả và rau xanh mỗi ngày. (Mỗi suất ăn khoảng 2 muỗng canh với trẻ đang tập đi, 1 và 1/4 chén với trẻ lớn hơn.)
Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây (Ảnh: Inmagine)
4. Cả nhà vận động.
Nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục làm tăng số lượng tế bào xung kích tự nhiên ở người lớn, và theo các chuyên gia về miễn dịch ở trẻ nhỏ thì vận động đều đặn cũng có thể mang lại lợi ích tương tự cho trẻ nhỏ. Để rèn cho con thói quen tập luyện suốt đời, bạn hãy là một tấm gương “sáng”, hãy tập thể dục cùng con thay vì chỉ ngồi đó và thúc giục con ra ngoài trời vận động. Và thật may là có rất nhiều hoạt động vận động kết hợp vui chơi dành cho cả gia đình, như chạy bộ, đi xe đạp, chơi bóng…
Giúp con tạo thói quen rửa tay để chống lại mầm bệnh (Ảnh: Inmagine)
5. Ngăn ngừa sự lan truyền mầm bệnh
Chống lại mầm bệnh không hẳn là cách trực tiếp tăng cường sức đề kháng, nhưng là một cách rất tốt để làm giảm căng thẳng lên hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ. Do vậy, hãy quan tâm và đảm bảo rằng con của bạn rửa tay thường xuyên, và rửa với xà bông: trước và sau mỗi bữa ăn, sau khi vui chơi ngoài trời, sau khi sờ vào thú nuôi, hỉ mũi, sau khi đi vệ sinh và sau khi đi học về. Để giúp con tạo được thói quen rửa tay tại nhà, hãy cho bé tự chọn lựa khăn tay có màu sắc đẹp, bánh xà bông với hình dáng ngộ nghĩnh, có màu sắc và hương thơm mà bé thích. Còn khi đi ra ngoài, không có điều kiện để rửa tay một cách “nghiêm chỉnh”, bạn có thể đem theo khăn ướt để tiện lau chùi.
Một “chiến lược” quan trọng khác để chống lại mầm bệnh, theo Tiến sĩ Barbara Rich, phát ngôn viên của Học viện Nha khoa Tổng quát (AGD), là: “Nếu con bạn bị sốt, hãy thay ngay bàn chải cho bé.” Một đứa trẻ không thể nhiễm bệnh lại từ cùng một loại virus gây cảm hay cúm, nhưng virus đó có thể “nhảy” từ bàn chải này sang bàn chải khác, lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình. Thêm nữa, nếu đó là bệnh lây nhiễm do vi khuẩn (viêm họng chẳng hạn), thì con vẫn có thể bị nhiễm lại từ cùng mầm bệnh mà bé đã mắc trước đó. Trong trường hợp này, thay bàn chải sẽ bảo vệ cho cả con bạn lẫn những thành viên khác trong gia đình.
6. Tránh bị hút thuốc thụ động
Nếu hút thuốc là thói quen của bạn hay vợ/chồng bạn, hãy từ bỏ ngay bạn nhé. Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 độc tố, trong đó hầu hết đều có thể kích thích hay phá hoại những tế bào trong cơ thể. Trẻ nhỏ lại nhạy cảm hơn người lớn đối với tác hại của việc hút thuốc thụ động bởi chúng hít thở với cường độ nhanh hơn, hệ thống giải độc tự nhiên cũng kém phát triển hơn. Hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ bị đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS), bị viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn, hơn nữa, nó cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển về trí thông minh và phát triển thần kinh. Nếu bạn chưa thể bỏ hẳn thuốc lá thì ít nhất hãy giảm nguy cơ gây hại đến sức khỏe của con bằng cách chỉ hút thuốc ở bên ngoài nhà.
7. Đừng gây áp lực cho bác sĩ nhi
Kháng sinh không phải là thuốc trị bá bệnh (Ảnh: Inmagine)
Việc cố thuyết phục bác sĩ nhi kê đơn thuốc kháng sinh bất cứ khi nào con bạn bị cảm lạnh, sốt hay đau họng là một ý kiến không hay chút nào. Thuốc kháng sinh chỉ có thể điều trị những bệnh gây ra do vi khuẩn, trong khi, theo các chuyên gia thì “phần lớn những bệnh của trẻ nhỏ đều do virus gây ra”.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng có rất nhiều bác sĩ nhi đã miễn cưỡng kê đơn thuốc kháng sinh với sự cố nài của những bậc cha mẹ lầm tưởng rằng nó không gây hại gì. Thực tế thì rất hại là khác. Sử dụng kháng sinh như vậy sẽ làm cho vi khuẩn kháng thuốc phát triển mạnh hơn, và một bệnh đơn giản sẽ có thể trở nên khó chữa trị vì cách chữa trị tiêu chuẩn không còn trị được các vi khuẩn kháng thuốc cứng đầu nữa. Vậy nên, hãy chắc chắn rằng bác sĩ của con bạn kê thuốc kháng sinh chỉ vì thấy nó thật sự cần cho bé, chứ không phải vì nghĩ bạn muốn thế.